TƯ THẾ GIẢM ĐAU KHI CHUYỂN DẠ

Khi gần đến ngày khai hoa nở nhụy, bên cạnh niềm háo hức chào đón một thiên thần bé nhỏ thì hẳn không ít bạn cũng sẽ rất lo lắng về một nỗi ám ảnh mang tên “đau đẻ”.
Khi gần đến ngày khai hoa nở nhụy, bên cạnh niềm háo hức chào đón một thiên thần bé nhỏ thì hẳn không ít bạn cũng sẽ rất lo lắng về một nỗi ám ảnh mang tên “đau đẻ”. Chuyển dạ hay nói ví von “vượt cạn” là một quá trình mà tử cung của bạn sẽ co thắt để đẩy dần dần em bé xuống khung chậu và khi đủ thấp thì kết hợp với sức rặn của bạn, em bé sẽ chui ra ngoài. Mỗi lần tử cung co thắt như vậy là mỗi lần bạn sẽ cảm nhận cơn đau tăng dần từ nhẹ đến vừa vừa và cuối cùng lúc gần sinh là đau dữ dội!

Thật khó để có thể mô tả cơn đau đẻ vì nó mơ hồ và cảm nhận của mỗi người sẽ rất khác nhau. Có bạn sẽ vượt cạn một cách thật nhẹ nhàng nhưng cũng có nhiều bạn phải trải qua những cơn đau được mô tả kiểu như “kinh khủng”, “không gì bằng” (nhất là những bạn sinh con lần đầu)! Tuy nhiên đừng quá hoảng hốt bạn nhé! Có rất nhiều cách đơn giản, không cần dùng thuốc có thể giúp bạn “vượt cạn” một cách nhẹ nhàng nhất! Chỉ cần bạn chịu khó tìm hiểu, bình tĩnh và tin tưởng vào bản thân mình.

Y học hiện nay cũng rất phát triển và chuyện “đẻ phải đau” không còn là điều hiển nhiên nữa! Bài viết này nhằm mục đích giúp những bạn chưa sinh lần nào hình dung được những gì mình sẽ trải qua khi “vượt cạn” và cũng hữu ích cho những bạn đã từng sinh để giúp bạn biết được các phương pháp giảm đau khi đẻ. Nào mình cùng tìm hiểu nhé!

Việc đầu tiên mà bạn cần nắm để chuẩn bị tâm lý đó là các giai đoạn chuyển dạ. Thật ra trước khi sinh vài ngày đến vài tuần, một số mẹ bầu đã có thể cảm nhận được một số dấu hiệu báo chuyển dạ sớm như:
  • Thấy bụng “sụt” xuống: có nghĩa là em bé đã bắt đầu nằm ổn định, đầu áp vào khung chậu mẹ chuẩn bị sinh
  • Ra nhớt hồng âm đạo: thực chất đây là chất nhầy cổ tử cung. Khi bắt đầu chuyển dạ, cổ tử cung mở ra, lớp chất nhầy này sẽ bị bong và trôi ra ngoài. Mẹ lưu ý là lớp nhầy này chỉ có màu hồng thôi hay ít nâu sậm thôi nhé. Nếu ra máu đỏ tươi mẹ nên đi khám ngay tại bệnh viện gần nhất nhé

  • Cơn đau do gò tử cung. Những tháng cuối thai kỳ sẽ xuất hiện những cơn đau do tử cung gò gọi là cơn gò “chuyển dạ giả”. Những cơn gò này có đặc điểm không đều, hiếm khi nào gây đau dữ dội. Đây có thể được xem như giai đoạn “tập dợt” của tử cung trước khi tham chiến thực sự. Tuy nhiên nếu cơn gò trở nên đều đặn, lặp đi lặp lại và tăng dần về cường độ và tần số thì có thể đây là dấu hiệu chuyển dạ thật sự rồi đấy!
  • Một số dấu hiệu khác như đau lưng, tiêu chảy.
Khi vào chuyển dạ thật sự, mẹ sẽ trải qua 3 giai đoạn chia thành giai đoạn 1 – 2 – 3.
  • Giai đoạn 1 là giai đoạn cổ tử cung mở dần nhờ cơn gò tử cung. Giai đoạn này được chia ra thành giai đoạn tiềm thời và giai đoạn hoạt động.
+ Giai đoạn tiềm thời: trong giai đoạn cổ tử cung mở dần với đường kính lỗ mở từ 0 đến 4cm. Cơn gò còn thưa và nhẹ, tần suất 5- 30 phút/ cơn, kéo dài 30-45 s, gò đều đặn, tăng dần về cường độ và tần số, đau tăng dần. Đối với người con so thì giai đoạn này có thể khá dài trên 12h. Đối với người con rạ thì chỉ khoảng 2-10h. Tại một số bệnh viện, ở giai đoạn này bạn sẽ nằm ở phòng chờ sinh.

+ Giai đoạn hoạt động: giai đoạn này được đánh dấu bởi cổ tử cung đã mở trên 4cm. Các cơn gò trở nên mạnh mẽ hơn và gây đau nhiều hơn. Tần suất cơn gò 3-5 phút/ cơn, kéo dài 60-90s. Giai đoạn này kéo dài khoảng 1-5h. Nếu trước đó đang nằm ở phòng chờ sinh thì bạn sẽ được đưa vào phòng sinh.


 
  • Giai đoạn 2 là giai đoạn mẹ rặn sinh em bé. Dưới tác dụng của cơn gò tử cung và sức rặn của mẹ, em bé sẽ đi qua khung chậu, tầng sinh môn của mẹ và sổ ra ngoài.
  • Giai đoạn 3 là giai đoạn bánh nhau sổ ra ngoài. Việc may vá vùng kín cũng sẽ được thực hiện sau giai đoạn này.
  • Đầu tiên là mặt tư tưởng. Bạn cần được chuẩn bị tâm lý rằng mình sẽ phải trải qua các cơn đau dữ dội mà nguyên nhân là do tử cung gò để thúc đẩy em bé ra ngoài. Đó chính là động lực của cuộc sinh! Khi vào chuyển dạ mà cơn đau quá thưa và nhẹ sẽ làm cuộc chuyển dạ kéo dài và trong nhiều tình huống gây ảnh hưởng lên mẹ và bé. Chính vì vậy một số trường hợp bác sĩ phải can thiệp bằng cách cho thuốc làm tăng cơn gò lên để mẹ mau đẻ. Nói điều này để mẹ hiểu và chuẩn bị tâm lý để đón chờ cơn gò tử cung chứ không phải “trách móc” nó. Nó đang làm đúng nhiệm vụ của mình thôi mà mẹ. Việc của mẹ là cố gắng tự động viên mình. Một cách hay khi mẹ quá đau là tự nhủ thầm một số câu để khích lệ tinh thần như “mình làm được” “mẹ sắp gặp được con rồi”, “đau mới đẻ”! Cố gắng hít thở sâu đều đặn khi đau để tăng cung cấp dưỡng khí cho mẹ và bé. Những việc như la hét, lăn lộn không giúp giảm đau mà chỉ làm cho mẹ mất sức chiến đấu và không hít thở đúng làm em bé bị thiếu oxy mà thôi. Tránh căng thẳng và quá lo lắng, điều này sẽ dẫn đến tiết một số nội tiết làm tăng tình trạng căng cơ và làm cho bạn đau nhiều hơn. Bạn có thể mở nhạc, xem phim hài hay làm những gì mà bình thường bạn rất thích thú để tạm quên đi cơn đau.
  • Một số cách như thường xuyên đi lại, mát xa vùng lưng, chườm ấm sẽ làm bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Đừng chỉ nằm hoài, nếu có thể đi lại thì bạn cứ di chuyển nhẹ nhàng trong phòng. Thay đổi tư thế miễn sao bạn thấy dễ chịu là được. Bạn có thể ngồi xổm, ngồi dựa lưng trên ghế, đứng dựa vào chồng, vịn vào ghế. Bạn thậm chí có chống hai tay hai chân xuống giường như một con mèo. Tư thế này có tên hẳn hoi nhé “all four” – “bốn chân” là một trong những tư thế giúp bạn giảm áp lực lên vùng lưng, giảm cảm giác đau khi sinh đấy nhé! Nếu có một trái bóng hơi thì càng hay! Hãy ôm nó, ngồi lên hay dựa nào nó! Độ mềm mại, êm ái, đàn hồi cùng tính nhún nhảy của bóng hơi sẽ giúp bạn giảm đau không ngờ đấy! Dùng vòi nước ấm xịt lên vùng lưng cũng là một cách hay để giảm đau. Nếu có người thân như mẹ, chồng ở bên, hãy nhờ họ giúp đỡ. Nên nhờ người thân kiểm tra giùm nhiệt độ vì khi đau bạn có thể không cảm nhận đúng độ nóng dễ dẫn đến nguy cơ bỏng.
* 10 Tư thế giảm đau khi chuyển dạ:
  • Tư thế 1: Dựa vào chồng/người thân
 
Trong giai đoạn đầu của chuyển dạ, sẽ xuất hiện những cơn đau nhẹ và thưa. Lúc này việc đứng thẳng sẽ giúp mẹ giảm được cường độ của các cơn co thắt. Mẹ có thể nhờ chồng hoặc người thân làm điểm tựa, vòng tay qua cổ họ để đứng thoải mái hơn. Khi cơn đau dồn dập hơn, mẹ đung đưa người nhẹ nhàng và có thể nhờ chồng hoặc người thân mát xa lưng sẽ giúp giảm các cơn đau khi chuyển dạ hơn rất nhiều đó.
 
  • Tư thế 2: Lắc lư người

Việc cử động đều đặn đã được các chuyên gia công nhận giúp làm giảm cơn gò cổ tử cung hơn là việc nằm một chỗ. Giúp mẹ giảm đau khi chuyển dạ.
Mẹ có thể chọn ngồi trên ghế hoặc giường đều được. Miễn sao khoảng cách vừa phải để bàn chân mẹ vẫn chạm được xuống đất. Sau đó nhẹ nhàng lắc lư người qua 2 bên trái phải.

  • Tư thế 3: Cúi đầu vào thành ghế

Tư thế này có điểm khá tương tự với tư thế Squat trong bộ môn thể hình. Một số mẹ bị đau lưng khi chuyển dạ. Việc cúi đầu và tựa vào ghế sẽ làm giảm bớt lực tác động mà lưng đang phải chịu. Vừa giúp sản phụ thoải mái hơn, vừa có thể rút ngắn thời gian chuyển dạ.
Tư thế này sẽ tác động làm phần xương đùi mở rộng, giúp phần xương chậu có thể mở rộng từ 20-30%. Nó giúp cổ tử cung giãn. Giúp tăng lượng oxi được đưa vào tử cung và thai nhi. Hạn chế nguy cơ mẹ phải đẻ mổ. 
  • Tư thế 4: Gác chân lên ghế

Tư thế này nhìn qua có vẻ giống một động tác thể dục hơn. Nhưng gác một chân lên ghế có thể có tác dụng giảm đau với một số mẹ. Tư thế này cũng giúp bé xoay đúng vị trí để việc chuyển dạ dễ dàng hơn. 
Để bảo đảm an toàn với tư thế này, mẹ lưu ý chỉ nên chọn ghế có độ cao vừa phải, giúp mẹ đứng vững hơn. Mẹ cũng có thể nghiêng người về phía trước một chút khi đứng. Đừng quên đổi chân để các bên đều được giảm đau hơn khi chuyển dạ.
 
  • Tư thế 5: Ngồi kê một chân

So với tư thế đứng gác chân lên ghế vừa rồi thì tư thế ngồi này dễ dàng hơn rất nhiều. Người chồng chỉ cần chuẩn bị thêm một chiếc ghế nữa cho sản phụ ngồi. Sản phụ chỉ cần ngồi thẳng lên ghế và gác chân lên chiếc ghế còn lại hoặc có thể thay bằng bục gác chân cũng được. Cách này vừa giảm đau khi chuyển dạ, vừa giúp giảm tê chân vì máu được lưu thông đều đặn hơn.
 
 
 
  • Tư thế 6: Quỳ gối

Tư thế này được các chuyên gia đánh giá là phù hợp với hầu hết các sản phụ. Chỉ cần chuẩn bị thêm một quả bóng cao su to, mềm. Loại bóng này đều có bán ở các cửa hàng dụng cụ thể thao. Mẹ nên chọn phòng dịch vụ sinh gia đình để có thể làm động tác này thuận tiện hơn. 
Mẹ ngồi trong tư thế quỳ, dang chân ra hai bên. Vắt tay qua trái bóng, đầu cúi xuống tỳ ngực vào bóng. Điều này giúp khung xương chậu mở nhanh hơn. Phần lưng được giảm bớt áp lực sẽ được thư giãn còn đôi tay và phần trên được “nghỉ ngơi” trên trái bóng. Giúp mẹ giảm đau trong khi chuyển dạ.
  • Tư thế 7: Ngồi xổm

Ngồi xổm sẽ là công cụ đắc lực giúp khung xương chậu mở rộng hơn. Tuy có hơi khó chịu vì lúc này bụng của mẹ đang rất to. Mẹ ngồi xuống từ từ, vịn tay vào thành ghế hoặc thành giường. Hoặc mẹ có thể nhờ chồng hoặc người thân ngồi trên ghế. Và mẹ có thể vịn tay vào đầu gối họ
 
  • Tư thế 8: Ngồi tựa lưng vào tường

 
Một tư thế rất đơn giản nhưng lại có tác dụng giảm đau khi chuyển dạ tốt. Mẹ ngồi tựa lưng vào thành giường. Đừng quên kê thêm một chiếc gối phía sau để giúp lưng giảm đau. Kết hợp với gập/duỗi chân để cảm thấy dễ chịu nhất
 
  • Tư thế 9: Quỳ gối chống tay

 
Trong các tư thế giảm đau khi chuyển dạ thì đây là tư thế giúp thai nhi nhận được nhiều oxi nhất. Vì tư thế này thực hiện trên sàn nhà, mẹ cần chuẩn bị thêm một tấm thảm để tránh cho tay chân mẹ bị xây xát.
  • Tư thế 10: Nằm nghiêng một bên
Mẹ nằm nghiêng một bên, kẹp gối vào hai chân để cơ thể được nghỉ ngơi thoải mái sau các cơn co thắt. Tư thế này giúp máu được tuần hoàn đều vào bào thai. Ngoài ra kê gối cũng giúp nâng đỡ bụng bầu, giảm đau lưng cho mẹ khi chuyển dạ.
 
Với 10 tư thế trên có thể phù hợp với mẹ hoặc không tùy vào thể trạng của mẹ. Mẹ có thể tham khảo thêm ý kiến từ bác sĩ để tìm ra tư thế hiệu quả nhất với mình. Vào thời khắc thiêng liêng này, các bố hãy ở bên cạnh mẹ để cùng san sẻ những nỗi đau mà mẹ đang phải chịu đựng nhé.

Khóa học xem nhiều

Thông tin liên hệ

  • 50-52-54-56-57 Trần Tống - Thanh Khê - Đà Nẵng
  • 0904 083 107
  • trungtamthammycamanh@gmail.com